Nhân mùa Vu lan Báo hiếu của Phật giáo Việt Nam, tôi gợi một số ý để Tăng Ni, Phật tử hiểu và hành trì đúng Chánh pháp, được lợi lạc.
Vu lan thắng hội phát xuất từ thời Phật tại thế do Trưởng lão Mục Kiền Liên có lòng hiếu thảo, sau khi thiền quán thấy mẹ sanh vào loài ngạ quỷ, đau khổ vô cùng. Ngài xin Phật chỉ dạy phương cách cứu mẹ, từ đó có lễ Vu lan Báo hiếu.
Nhưng sau khi Phật vào Niết-bàn, giáo pháp Phật được mở rộng theo hai hướng Bắc truyền và Nam truyền. Nam truyền Phật giáo vẫn giữ lễ Vu lan, chỉ khác ngày tháng kiết hạ an cư.
Theo truyền thống Phật giáo, lễ Vu lan diễn ra sau khi chấm dứt an cư vào mùa mưa, vì một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng Ấn Độ chỉ có ba mùa là mùa mưa, mùa khô và mùa đông.
Theo tinh thần Đại thừa, cấm túc an cư vào mùa mưa. Nhưng mùa mưa trên trái đất này không đồng nhau, vì ở đất nước chúng ta là mùa mưa thì ở châu đại dương là mùa khô. Như vậy, Ấn Độ an cư nhằm mùa khô của châu đại dương.
Theo Đại thừa, chư Tăng cấm túc an cư mùa mưa, vì mùa mưa đi lại khó khăn, trong khi mùa khô nắng ráo, đi truyền bá đạo dễ dàng hơn. Ngoài ra mùa mưa ở các nước nông nghiệp, người dân bận rộn làm ruộng vất vả, không có thì giờ đi nghe pháp, nên việc truyền bá Phật pháp không được thuận lợi.
Trước kia tôi cố chấp phải cấm túc an cư mùa mưa, không đi ra khỏi chùa. Hòa thượng Trí Thủ dạy tôi rằng chư Tăng tập trung một chỗ cấm túc an cư, thầy không đi giảng dạy thì chờ hết an cư, giảng dạy ai. Nhờ lời dạy của ngài mà tôi bắt đầu đi giảng vào mùa mưa. Suốt 26 năm làm Trưởng ban Hoằng pháp, tôi đi hoằng pháp từ miền Nam ra miền Bắc vào mùa mưa.
Với trí tuệ, việc gì hợp lý thì chúng ta làm. Đức Phật cũng dạy rằng không có pháp cố định dẫn đến Vô thượng Bồ-đề. Vì vậy, pháp thay đổi luôn xoay chuyển qua ba mùa, hay bốn mùa. Buổi sáng ở Mỹ thì ở Việt Nam là 8 đến 10 giờ tối, hay ở Âu châu cách chúng ta 6 tiếng. Thời gian ở mỗi nước, mỗi vùng miền không giống nhau mà lấy việc của chỗ này đặt cho chỗ khác thì không thể đúng. Thể hiện ý này, Nhật Liên Thánh nhân dạy rằng hoằng pháp phải căn cứ vào giáo, cơ, thời, quốc.
Vì vậy, chúng ta phải lựa giáo lý Phật thích hợp với mình để thực tập và dạy pháp nào thích hợp với căn cơ trình độ của người. Dạy điều họ cần thì họ biết ơn, quý chúng ta và họ sống có lợi ích cho cuộc đời. Chính vì vậy, chúng ta thấy thiền sư đắc đạo không phải lúc nào cũng giảng giáo lý, nhưng các ngài hành đạo, thuyết pháp, đến đâu đều nhằm làm lợi ích cho mọi người ở đó.
Thực tế như các thiền sư đắc đạo ở Trung Hoa, Hàn quốc, sang Nhật truyền giáo, không phải mang giáo lý qua dạy, mà đi truyền nghề. Điển hình ở Nhật có ngài Hoằng Pháp mở trường dạy dân Nhật các ngành nghề sống được và phát triển được, nên nhà vua đã tặng ngài danh hiệu là Hoằng Pháp đại sư. Ngài cũng chế tác ra chữ Nhật, lấy chữ Hán ký âm thành chữ Nhật.
Vì để truyền bá, ngài phải dùng phương tiện là ngữ ngôn văn tự, để mọi người biết đọc, biết viết và truyền thông với nhau. Kế đó, ngài dạy làm thuốc để chữa bệnh, chưa dạy giáo lý. Trong vườn chùa, ngài trồng cây thuốc dùng chữa bệnh cứu người khiến người dân rất vui, đó là sự hiện hữu cần thiết của nhà sư. Ngoài ra, ngài còn dạy những nghề cần thiết như dạy người Nhật làm bồn đựng nước, làm nồi nấu ăn…
Khi hoằng pháp để truyền bá giáo pháp, nhưng nhắm vô nâng cao đời sống con người. Vì vậy, cho ăn no đủ và chữa lành bệnh rồi, họ có đời sống ấm no, thì thuyết pháp mới nghe được, mới học giáo lý để được giải thoát thực sự. Nhưng thực tế có tiền rồi, người ta lại bận rộn suốt đời. Chúng ta thấy những người kinh doanh bận rộn nhất. Nhiều tỷ phú không có thì giờ ăn, ngủ, chắc chắn không có thì giờ tu học. Nhiều nhà giàu đến thăm tôi chỉ nghĩ đến cúng dường, nhờ thầy làm Phật sự cho con, vì con bận quá.
Dạy giáo pháp cho họ, nhưng giáo pháp phải ứng dụng đúng chỗ, không phải chỉ dạy một bài Tứ niệm xứ. Người cần Tứ thánh đế, hay sáu pháp ba-la-mật thì dạy pháp đó. Dạy điều thiết thực với cuộc sống của họ mà họ làm được thì mới dạy. Họ không muốn làm cũng không dạy.
Quý huynh đệ là các nhà truyền giáo tương lai cần nhớ rằng hãy dạy những gì cho người nâng cao đời sống, rồi mới dạy giáo pháp, họ mới nghe và thực tập được.
Suốt đời người ta luôn kiếm tiền, thử hỏi chết thì tiền có cứu được không, thậm chí người có nhiều tiền khi chết, linh hồn lại bị vướng mắc đến tiền bạc, nhà cửa…, cuối cùng làm quỷ giữ của. Điều này rất thực trong cuộc sống, mình khuyên họ nghe. Thực tế có nhiều lâu đài cổ mà người ta vào đó cảm thấy ớn lạnh, rất sợ và ban đêm có nhiều người xuất hiện. Theo tôi, đó là những người chủ lâu đài đã chết nhưng họ luôn nghĩ đến công lao họ xây dựng lâu đài, nên nuối tiếc, không đi đầu thai, sanh vào cõi khác được. Nên khi mình vào đó ngủ, mình là hồn, họ cũng là hồn, hai cái hồn dễ gặp nhau. Tối ngủ, họ hất mình té xuống đất.
Đem thực tế cuộc sống dạy họ thức tỉnh để hiểu rằng cuộc sống vật chất cần thiết đến mức độ nào.Tỳ-kheo cần ba y thay đổi vừa đủ, ngày ăn một bát cơm, hoặc hai, ba ngày ăn một bát, tuy gầy nhưng khỏe. Còn một ngày ăn nhiều sẽ mắc nhiều chứng bệnh. Sang Mỹ, tôi thấy nhiều người trọng lượng trên 100kg, đáng sợ. Càng mập lại càng ăn nhiều, mà họ cố ăn nhiều vậy thì chết rồi, họ quen tánh ăn, làm quỷ đói.
Thực tập giáo pháp Phật, được giải thoát, tôi thấy có ba thứ đói. Một là đói của cơ thể, của tế bào vì nó thiếu dinh dưỡng làm mình đau nhức, mệt mỏi. Phật có kinh nghiệm này, Ngài nhịn ăn, bị cơ thể hành hạ, đau nhức toàn thân đến mức độ nặng nhất khiến Ngài ngã quỵ. Nhờ Su Dà Ta cho Phật bát sữa uống, tế bào cơ thể khỏe lại, nên thân thể khỏe. Ăn nhiều tạo cho cơ thể không bình thường, sanh ra những tế bào không lành mạnh, gây ra nhiều bệnh.
Tôi nhờ ăn ít, nên ít đi bệnh viện, khi cảm thấy đói, bổ sung số lượng cần thiết, không cho dư. Phật dạy không nên bỏ đói cơ thể, vì thân chết thì không có thân để tu, nhưng bồi dưỡng cho thân quá mức khiến thân bệnh gây ảnh hưởng không tốt đến tâm.
Cái đói thứ hai là cơ thể chưa đói, tế bào chưa cần bổ sung, nhưng thấy thức ăn thì muốn ăn. Khi tế bào không cần thực phẩm mà nhồi nhét thêm khiến bị mệt, không tụng kinh, ngồi thiền được. Tôi phát hiện điều này, nên dự trai tăng cúng dường, có nhiều thức ăn, tôi cũng ăn vừa đủ lượng cho cơ thể, hay ăn thiếu một chút, tôi thấy giải thoát. Đói thì bổ sung được, nhưng đói con mắt thì không nên ăn.
Loài người ác bày đủ thứ thức ăn để khêu gợi tánh muốn ăn của con người. Tôi sang Đài Loan đi dự bữa ăn có đến một trăm món và trái cây năm màu. Nhưng tôi mới ăn mỗi thứ một chút, ăn năm món là thấy đủ. Một trăm món làm sao ăn hết. Dọn thức ăn đủ cách để người tham ăn ăn no rồi, móc họng cho ói ra để ăn nữa. Người xuất gia hay tại gia phải khắc phục cái đói con mắt.
Cái đói thứ ba là đói cái tâm, thân chưa đói, mắt cũng không thấy thức ăn, nhưng cái tâm là nghiệp muốn ăn. Thay vì ngồi thiền, nhưng lại ngồi nghĩ đến thức ăn là tâm đói. Tâm thuộc vọng thức là nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng là phải xả thức muốn ăn. Thực tập xả thức được thì tâm không muốn ăn, dù thấy thức ăn cũng không muốn ăn, nên được giải thoát, chứng Sơ quả. Xả được thức muốn ăn, dù dọn nhiều thức ăn cũng không muốn ăn, kể cả đói cũng không muốn ăn, nhưng ăn một ít để nuôi thân này mà thực tập pháp Phật, đắc đạo và hành đạo độ sanh. Nếu để mất thân xác này thì tùy nghiệp thọ sanh trong sáu đường sanh tử, rất nguy hiểm.
Nhận biết được ba cái đói: đói của tế bào, đói của mắt và đói của tâm thì xả hết, còn lại cái tâm mới vào Chánh định được và vào định không cần ăn uống là tâm không cần ăn uống là tâm giải thoát. Và tâm giải thoát thấy thân xác này nặng nề, nhưng cần lưu thân xác để giáo hóa chúng sanh. Thể hiện ý này, Tổ Đạt Ma quảy một chiếc dép tiêu biểu cho tâm hiện hữu để hành đạo độ sanh và phải mang thân này đi rất nặng. Như vậy, người tu còn chân linh và thân xác tứ đại.
Trên bước đường tu, nghĩ thân mình còn thiếu cái gì thì bổ sung. Nhưng vào định, không nghĩ đến thân nữa, mà vẫn còn bốn thứ là hàn, nhiệt, cơ, khát. Thật vậy, tôi trụ định không thấy nóng, nhưng xả thiền thì nóng là cái nóng của thân xác. Vì vào định không lệ thuộc vật chất, không bị hàn, nhiệt, cơ khát chi phối. Và chứng được Sơ quả, tái sanh nhiều nhất là bảy lần thì chứng quả A-la-hán.
Sa-môn sinh hoạt khác người, họ không để ý đến ăn mặc, hơn thua phải trái, chúng ta biết họ là hàng Sơ quả tái sanh lại, không lệ thuộc vật chất. Hòa thượng Viên Giác tu ở chùa Kim Huê, Sa Đéc kể rằng ngài thấy một ông thầy tu chung, quanh năm không nói chuyện với ai. Ông chỉ hành thiền, lo sống với chân tâm, hỏi gì cũng không nói. Đó là người tu thực, tái sanh làm người, nhưng khác mọi người là ông không mua sắm, cúng cho ông tiền bạc thì ông để đó. Cuối cùng, ông nói mai tôi về Phật, tất cả đồ tứ sự cúng dường của tôi, thầy nào cần thì lấy. Ngày hôm sau, ông ngồi yên, niệm Phật và đi.
Cố gắng tu cho được Sơ quả, tái sanh làm người, không lệ thuộc vật chất và tình cảm, bảo đảm không bị đọa vào ba đường ác. Và bước thứ hai, mới có khả năng độ người.
Xung quanh mình có vô số loài mà dùng mắt không thấy, dùng tâm cảm được và chứng Sơ quả thì thấy được. Thấy gì? Đầu tiên, khu đất mà chúng ta đang ngồi, 50 năm trước, ở đây chiến tranh có nhiều người chết, nhưng họ chưa thỏa mãn điều mong muốn, làm sao đi đầu thai được. Các Tỳ-kheo sống trong Chánh niệm, Chánh định thì hồn những người chết nghe tâm của các thầy, không phải nghe tiếng tụng kinh. Nghĩ họ chết oan ức, chưa được giải thoát, mình khởi tâm thương xót, cứu họ, thầy nào tụng kinh bằng tâm thì độ họ được, tụng niệm, lễ bái bằng tâm đến vô tâm là Chánh niệm.
Tu như vậy, dù tôi tụng kinh một mình, trong đêm khuya 3 giờ sáng, tôi cảm giác xung quanh có nhiều người tới nghe kinh là người vô hình không thấy bằng mắt, nhưng bằng niềm tin, bằng cảm giác thấy. Trụ tâm lại, thấy nhiều người đói, bệnh, bị thương. Ta tu, cứu độ những người này là điều rất quan trọng.
Thời Mông sơn thí thực, đọc chú có linh nghiệm lạ. Câu chú đầu tiên là phá địa ngục và câu biến thực biến thủy chân ngôn, nếu tụng bằng tâm, đi tới vô tâm, những loài quỷ đói nghe ăn được. Họ không còn thân để ăn, nhưng họ ăn là nhờ mật chú, nhờ niềm tin của mình, nhờ công đức tu hành của mình.
Có loài ngạ quỷ thưa với Phật rằng họ đói khát quá. Nhưng với công đức của Phật, Chánh niệm, Chánh định của Phật, Ngài nói thức ăn này, nước này, hãy ăn đi, thì nó ăn được. Nó chỉ có cái thức muốn ăn, chứ có thân đâu mà ăn. Nhờ công đức của Phật xóa nghiệp đói của tâm, nên chúng thấy no đủ. Cúng thí thực trong chùa mỗi ngày, chỉ cúng gạo, nước thôi, thuở nhỏ tôi nghĩ như vậy ít quả làm sao ăn đủ. Nhưng nhờ trì chú, dù mình không hiểu gì, chỉ tập trung vô câu thần chú, nên tâm thanh tịnh tác động cho họ thanh tịnh theo, xóa được nghiệp đói khát.
Về điều này, người học rộng nghe nhiều khó chứng. Người ít học nhưng chứng được. Thời Phật tại thế có Bàn Đặc nổi tiếng dốt, nhưng đắc La-hán. Về sau có ngài Huệ Năng không biết chữ cũng đắc La-hán. Trong khi người học rộng, biết nhiều thường kẹt ngữ ngôn văn tự. Quý vị học, mỗi thầy giáo thọ nói khác nhau dễ rớt vô tranh cãi.
Theo tôi, học thì học đầy đủ, nhưng tu phải xả hết để thấy cái đồng nhất, được giải thoát. Tôi tu Đại thừa, không thấy có sai biệt. Ai nói gì cũng đúng theo cái nghiệp của họ, theo hiểu biết của họ. Nhưng mình muốn tất cả giống nhau, thành một thì không thể có. Chí lên Niết-bàn mới có sự đồng nhất, vì sáng mắt rồi, ai cũng thấy giống nhau. Còn mù mắt mà rờ thì thấy không giống. Chúng ta không rơi vô ngoại đạo, nhưng theo Phật đạo, tâm thanh tịnh, trí sáng suốt là chư Phật thấy giống nhau.
Tu hành, bước thứ hai, phải xả nghiệp thức, được thanh tịnh giải thoát mới cứu độ hương linh. Trước tiên ta cứu những người có duyên với mình, không có duyên thì đã không gặp. Tôi tu, nghĩ người tôi cứu là cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc chết rồi, mình có liên hệ với họ thì độ dễ. Mình tụng kinh, nghĩ đến họ, họ cũng nghĩ đến mình thì trong thế giới vô hình không cách biệt. Còn ở thế giới vật chất có sự cách biệt, người sống và người chết không nói chuyện với nhau được.
Thế giới vô hình giống như nối mạng, liên hệ toàn cầu được, nên người nào có nối mạng thì tiếp xúc được. Có nối mạng nghĩa là có sự liên hệ giữa mình và người qua thế giới tâm. Linh hồn mình an lạc nghĩ đến họ, họ cũng được an lạc. Lúc tôi mới tu, dòng họ có nhiều người chết vì chiến tranh. Tôi tụng kinh, tham thiền thấy họ hiện ra, bằng tâm thanh tịnh và pháp Phật tác động cho họ, họ cũng được an vui, giải thoát. Và sau này, tôi cũng lại thấy họ, nhưng không thấy họ đau khổ nữa, mà thấy họ rất vui.
Nghĩ đến người và người nghĩ đến mình khiến họ an vui, đó là đời sống tôn giáo. Không có đời sống tôn giáo thì rất khó tu.
Ngoài ra, còn có các hương linh khác, không phải trong dòng họ mình. Ngày rằm tháng 7, Phật tử thường đưa tên hương linh nhờ các thầy cầu siêu. Tôi gom tất cả tên các hương linh, mở từng trang kêu các người này về nghe kinh, tu với tôi để được Phật cứu, được giải thoát. Tôi làm việc này trải qua nhiều năm, nhận thấy có những điều kỳ lạ trong thực tế cuộc sống. Phật tử theo tôi có cảm tình nhiều hơn.
Tôi nhớ đến bà hội trưởng hội Reiyukai, đời sống tu của bà này có điểm trùng với tôi. Bà nghèo, dốt, nhưng trở thành hội trưởng có ba triệu tín đồ. Thì giờ rảnh, bà ra mộ địa lau rửa mộ vừa niệm đề kinh Pháp hoa theo Nhật Liên tông. Một thời gian sau, một số con nít theo bà, lần nó làm quan, làm tướng và sùng kính bà. Bà nói nhờ bà niệm pháp giúp những hương linh chết oan ức được siêu thoát, nên tái sanh, họ quý kính bà, làm đệ tử của bà.
Riêng tôi cũng vậy, nhờ cầu an, cầu siêu cho các Phật tử, âm thầm cầu nguyện cho họ, tự nhiên đi đâu cũng được nhiều người có cảm tình.
Trong mùa Vu lan, nếu giữ tâm thanh tịnh và cầu nguyện cho hương linh, nhờ mình, họ siêu thoát được. Mình sẽ có bạn ở Cực lạc, ở thiên đường, ở trần gian quý trọng mình, Phật giáo mới trùng hưng được.
Vu lan theo Đại thừa, từng nơi tổ chức khác nhau. Phần nhiều tổ chức vào tháng 7, khi ra hạ. Nhưng ở phía Bắc kẹt làm mùa, sản xuất, nên vô hạ an cư trễ một tháng, gọi là hậu an cư, vô hạ tháng 5 và ra hạ tháng 8.
Vì vậy, tháng 4, tháng 5, tôi thăm các trường hạ miền Nam, tháng 6, tháng 7, tôi thăm các trường hạ miền Trung, miền Bắc. Phật giáo Nam tông giữ nguyên truyền thống an cư tháng 6, ra hạ tháng 9.
Lễ Vu lan là mùa chư Tăng cấm túc an cư, có thể nhờ chư Tăng cầu nguyện, hương linh được thoát hóa, siêu sanh, hay sanh làm người có duyên gặp mình, gặp Phật pháp, độ họ tiến tu giải thoát. Đó là điều quan trọng Phật dạy, chúng ta cần suy nghĩ, áp dụng đúng, Phật pháp mới phát triển. Nếu chỉ làm theo hình thức, người cúng không được phước, người chết không siêu thoát, mình cũng mang nợ.
Thật vậy, kinh Vu lan dạy: “Trước khi thọ thực đàn chay. Phải cầu chú nguyện cho người tín gia. Cầu thất thế mẹ cha tín chủ. Định tâm thần quán đủ đừng quên. Cho xong ý định hành thiền. Mới dùng phẩm vật đàn tiền hiến dâng”. Phải định tâm, phải quán tưởng cầu nguyện cho những người chưa siêu thoát, cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình mới thọ dụng. Nhờ gia trì lực của Tam bảo, họ được siêu thoát, cũng như con cháu của họ làm ăn phát đạt mới hộ trì Phật pháp. Thành tựu pháp tu như vậy, chúng ta mới đền đáp phần nào công ơn của Phật.