Sự thay đổi thời tiết và cảnh sắc trong mùa xuân dễ dàng nhận ra ở các nước thuộc vùng ôn đới hơn là ở các nước nhiệt đới chỉ có hai mùa mưa nắng.
Thật vậy, tôi đã được nhìn ngắm sự chuyển mình kỳ diệu của mùa xuân. Trong suốt mùa đông dài lạnh lẽo, cỏ cây, hoa lá, chim chóc, muôn vật… đều như cố sức thu mình, chịu đựng cái giá rét lạnh căm.
Đột nhiên, một sáng nọ thức dậy, chợt nghe tiếng chim oanh cất tiếng hót lanh lảnh mừng rỡ chào đón ngày vui mới. Nhìn ra vườn, tươi mát màu xanh mơn mởn trên cành liễu, búp đào, khắp nơi những chồi non nảy mầm phơi phới, tiết trời thoảng mùi hơi ấm… Tất cả toát lên sức sống một cách mãnh liệt, nhanh chóng lạ thường, báo hiệu mùa xuân đã trở về.
Quan sát sức sống đổi thay luân chuyển trong trời đất và suy nghiệm lại công phu tu hành của bản thân, nhận ra những điểm tốt đẹp tương đồng, thiền sư thốt lên:
Thị phi ngôn trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùng dạ vũ hàn.
Hoa lạc vũ tình sơn tịch tịch,
Nhứt thinh đề điểu hiệu đông tàn.
Tạm dịch:
Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm,
Danh lợi lòng băng với bão đêm,
Mưa tạnh hoa rơi non vắng vẻ,
Chim kêu xuân lại quá bên thềm.
Nghĩa là sống trong nhà thiền, tâm hồn các thiền sư an trụ trong tĩnh lặng. Danh lợi, thị phi, được thua, khen chê… của cuộc đời đã đóng băng như tuyết lạnh trong đêm dài, chẳng thể lay chuyển tâm hồn thiền sư.
Từ tâm thanh thản bất động ấy, trong phút giây nào đó, chợt bắt gặp pháp âm vi diệu ngàn đời của Đức Phật, thấy được mầm sống vĩnh hằng của Pháp thân trong chính mình và muôn loại, mở ra cảnh giới an vui bất tuyệt, tự tại trên nẻo đi về.
Để diễn tả sự đúng lúc, đúng thời tiết nhân duyên cho mùa xuân bước đến, người Nhật thường dùng câu:
Chưa phải lúc thì hoàng oanh không thể hót
Băng tan thì cây cỏ nảy mầm.
Cũng vậy, người tu chưa đến lúc ngộ đạo hay chưa đầy đủ công phu, không thể nào nghe Phật âm và nảy mầm giác ngộ.
Trên tinh thần đủ duyên, đúng lúc, chuyển sang kinh Pháp hoa, phẩm Bồ-tát Tùng địa dũng xuất thứ 15, chúng ta cũng nhận ra ý này. Trong kinh cho biết các Bồ-tát từ các phương khác chắp tay xin Phật cho phép các Ngài đọc tụng, biên chép, giảng nói Pháp hoa sau Phật diệt độ ở cõi Ta-bà lợi ích chúng sanh. Đức Phật vừa từ chối lời thỉnh cầu này thì đúng lúc ấy, vô số Bồ-tát từ đất vọt lên.
Trong Phật giáo, đất thường được dùng để tiêu biểu cho tâm, gọi là tâm địa. Từ đất mọc lên cỏ dại và cũng từ đất cho tất cả cây trái, hoa màu ích lợi cho con người cùng muôn vật.
Mảnh đất tâm cũng vậy, chất chứa đầy đủ hạt giống thiện ác giúp chúng ta thăng hoa, trở thành thánh thiện hay kéo chúng ta vào con đường tội lỗi.
Vì vậy, trong quá trình tu hành, nếu biết khai thác, phát huy thiện tâm, từng bước chúng ta nhận ra trong tâm nảy sanh những điều cao quý, lợi lạc. Kinh diễn tả ý nghĩa này bằng hình ảnh vô số Bồ-tát từ đất vọt lên.
Bồ-tát tức người mang chí lớn làm lợi ích cho đời. Trên bước đường hành đạo, nay họ cưu mang giúp đỡ người này thoát khỏi khổ nạn, mai lại giáo dưỡng người khác thành tài. Có vị thể hiện hạnh bố thí, có vị thực hành sự kham nhẫn hay sống đời phạm hạnh thanh tịnh, hoặc phát huy trí tuệ vô lậu… Tất cả đều cống hiến cho đời hương thơm giới đức, hiểu biết siêu phàm, khả năng vượt trội, đáp ứng được mọi yêu cầu của chúng sanh.
Đức Phật đưa ra mẫu Bồ-tát Tùng địa dũng xuất toàn thiện, toàn mỹ nhằm nhắc nhở chúng ta tu hành, muốn giáo hóa chúng sanh cần chuẩn bị thật đầy đủ. Rèn luyện khả năng thực sự giỏi hơn người, có sức chịu đựng gian khổ hơn người, có tinh thần hy sinh vô bờ bến, trải tình thương vô giới hạn, yêu thích phục vụ người. Như vậy mới có khả năng hoằng truyền Chánh pháp ở thế giới ngũ trược Ta-bà.
Lãnh đạo lục vạn hằng hà sa Bồ-tát Tùng địa dũng xuất là bốn vị có tôn danh là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh.
Nói cách khác, bước trên lộ trình Phật đạo, tu thế nào để thân ngũ uẩn chúng ta bung ra được khả năng gánh vác những việc khó nhất, đa dạng hóa việc làm lợi ích ở nhiều lãnh vực, không từ nan khó dễ, lớn nhỏ. Mặc dù đa tài, đa năng, nhưng tâm hồn vẫn hoàn toàn thanh tịnh và an trụ kiên cố với hạnh nguyện cứu khổ ban vui cho người.
Ngoài hình ảnh Bồ-tát từ đất hiện lên, kinh Pháp hoa còn cho thấy biểu tượng cao tột khác là tháp Đa Bảo cũng từ đất vọt lên, trụ giữa hư không. Trong tháp hiện hữu hai Đức Phật là Đa Bảo và Thích Ca. Điều này gợi chúng ta suy nghĩ trong lòng đất có đủ vàng, bạc, châu báu, nếu biết sử dụng, cuộc sống sẽ trở thành giàu có.
Đối với người biết khai thác mảnh đất tâm cũng tương tự như vậy. Khi biết lựa chọn các pháp cao quý trang nghiêm thân tâm và sử dụng trọn vẹn căn lành sẽ xây dựng được thế giới quan toàn mỹ, toàn bích mà kinh tiêu biểu bằng tháp báu có hai Đức Phật ngự bên trong.
Tháp báu từ đất hiện lên hư không và Đức Phật Thích Ca vào an tọa trong tháp. Nói cách khác, chính Đức Thích Ca đã phát hiện những khả năng siêu tuyệt tiềm ẩn bên trong cái thân một trượng sáu và khéo sử dụng được tiềm năng ấy nên Ngài đạt đến quả vị Toàn giác, Toàn trí và chuyển đổi cảnh giới Ta-bà phiền não uế trược thành Tịnh độ an lạc cho những ai tiếp bước theo Ngài.
Kế đến, các vị Tổ sư hành đạo cũng từng bước khai thác được khả năng vô tận nằm trong thân ngũ uẩn hữu hạn. Tùy theo mức độ tu chứng của từng hành giả, gom được của báu trong tâm bao nhiêu và sử dụng được tiềm năng đến đâu, thì tạo dựng được thiên đàng hay cảnh giới Tịnh độ mỹ lệ bấy nhiêu.
Trước thềm xuân mới, cầu chúc Tăng Ni, Phật tử từng bước theo dấu chân Đức Từ Tôn, phát hiện được những điều cao quý trong tâm, thể hiện thành những việc làm tốt đẹp, đạo đức, mang an vui, giải thoát cho ta và cho người. Công đức tu tập ấy kết thành những tháp báu lớn nhỏ khác nhau.
Cho đến ngày nào đầy đủ tâm đại bi, hạnh Bồ-tát viên mãn, tất cả cùng đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác, cùng có tháp bảy báu đồng với Đức Đa Bảo Như Lai, lưu chuyển khắp mười phương Pháp giới làm chứng tín cho chân lý Pháp hoa hằng hữu muôn đời.
Hòa thượng Thích Trí Quảng